Tết với giáo viên cắm bản

Giáo viên vùng cao luôn sợ Tết. Lý do thì nhiều, mỗi người mỗi cảnh, nhưng chủ yếu là sợ học sinh bỏ học, rồi thì nhà xa, về chả mấy ngày lại tất tả lên đường, rồi tiền về quê... từng đó thứ cũng đủ khiến người giáo viên cắm bản đón một cái Tết không trọn vẹn niềm vui.


Lớp học ngày gần tết cứ vắng dần ở trường Tiểu học Chung Chải
 
Những người... sợ Tết

Khi những cánh đào, mận hé nụ, hương xuân của núi rừng ngập tràn thổi qua khe liếp của căn nhà tập thể, thì những giáo viên vùng cao lại trằn trọc, khó có thể tài nào mà chợp mắt, cho dù tết vẫn còn ở nơi xa tít. Khốn nỗi, ở vùng Tây Bắc mùa xuân luôn hiện hữu sớm hơn rất nhiều, chỉ cần bước chân ra cửa là đã thấy muôn sắc hoa rừng cỏ dại, chỉ qua một đêm đã rợn lên ngờm ngợp... Nó như vô tình, hững hờ làm cho thầy cô nơi đây lòng dạ thêm rối bời...

Cô Lường Thị Hà giáo viên xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé, Điện Biên (quê Tân Lạc, Hòa Bình) không giấu được những bồn chồn, lo lắng khi tâm sự: Ngày nào cậu con trai 5 tuổi ở quê cũng điện thoại, nhắc mẹ về sớm để đưa đi chợ tết mua quần áo mới. Thế nên 3 năm dạy học ở đây, tết nào cô cũng quyết tâm vượt gần 600 cây số để về quê, cho dù thời gian nghỉ tết chỉ vẻn vẹn được 9 ngày. Về đến nhà chưa hết cơn say, chưa kịp hoàn hồn ăn bữa cơm đoàn tụ thì đã tính đến bữa chia tay, lóc cóc chuẩn bị lên trường.

Mỗi khi gần đến ngày giáp Tết lớp học cứ vắng dần, mỗi ngày 5 - 7 em nghỉ rồi có lớp chẳng còn lấy một em, nghỉ học trước thời gian nghỉ Tết theo quy định cả tuần, thầy cô lại trèo đèo lội suối vận động các em ra lớp, chỉ được 1 - 2 ngày các em lại nghỉ, sắp tết chúng ở nhà vui chơi, đi chợ... thích hơn đến trường, và nhất là trời rét đến lớp co ro vì không có áo ấm.

Vậy Tết nhất đến nơi rồi, sao không thu dọn sớm rồi về quê sắm tết, đằng nào rét học sinh cũng nghỉ? Câu hỏi của tôi khiến ánh mắt cô Bùi Thị Lan, giáo viên Trường THCS Chung Chải trở nên xa xăm: Dù học sinh có nghỉ vẫn phải ở lại còn họp hành, tổng kết và dọn dẹp. Rồi phải soạn giáo án trước từ 1 - 2 tuần, để sau tết dành thời gian đi vận động học sinh, vì các em học sinh nghỉ tết xong ở nhà luôn, quên không đến trường học. Thế này em mong thà đừng có tết thì hơn, về cũng dở mà ở không xong, còn học sinh thì thật là khổ sở, để ổn định được sỹ số và nề nếp sau tết phải mất cả tháng trời...


Lớp học còn nhiều khó khăn.
 
Thầy Nguyễn Văn Chung (24 tuổi, quê Thanh Sơn, Phú Thọ), giáo viên Trường THCS Nà Khoa, thổ lộ : Em ra trường, xin lên vùng cao dạy luôn và đây là cái tết thứ ba. Giáo viên chẳng có khái niệm thưởng tết, mà không có thì thành quen thôi, thành ra tết phải vay mượn thêm mới dám về quê.

Thầy Vũ Văn Chuyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pá Mỳ, cho biết:  Trường có 38 giáo viên, hầu hết người dưới xuôi lên dạy học. Tết ai cũng muốn về quê, nhưng để có tiền về quê không phải ai cũng dành dụm được. Nhiều thầy cô về tết phải chạy đôn, chạy đáo vay Ngân hàng, vay những người ở lại, sau tết lên thì chắt chiu tiền lương nửa năm mới trả hết nợ.

Ngậm ngùi... người ở lại

Ngày tết là ngày xum họp, đoàn tụ của gia đình chẳng ai muốn ăn tết xa quê nhưng cũng vì điều kiện, hoàn cảnh, lý do mà nhiều thầy cô phải ở lại trường ăn tết.

Thầy Nguyễn Văn Tập, giáo viên Trường Trung học phổ thông Chà Cang (quê Hiệp Hòa, Bắc Giang), nói với chúng tôi: Em lên dạy học 4 năm, năm nay là 3 cái tết ở lại cũng chỉ vì đoạn đường về quê xa xôi, vất vả... Tết được nghỉ tính ra ở nhà gần được 4 ngày, mà xe ngày tết thì chật như nêm cối. Thôi thì đành ở lại, năm nào cũng vậy thầy trò lui cui ra rừng nhặt củi, xếp vào trong kho nhà trường để giúp đỡ thầy cô nổi lửa nấu bánh chưng,  sưởi ấm trong những đêm giá lạnh. Cũng gói bánh chưng, thịt lợn và vào rừng đẵn một cành đào đặt giữa nhà, nhưng chẳng hiểu sao không khí Tết nó không chịu về trường chúng em!.

Thầy Tập tự lý giải: Có lẽ vì ở đây không có không khí, không có chợ tết và mọi người hồ hởi như dưới miền xuôi. Tết nào cũng vậy, còn lại mấy thầy cô trong trường tập trung lại chúc nhau. Giờ thì đã thành quen, chứ năm đầu tiên ở lại đến giao thừa, nhớ nhà mọi người ôm nhau khóc.


Nhà trường tặng quà cho giáo viên ở lại ăn tết tại trường THCS xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé
 
Không khí mùa xuân đã tràn ngập khắc nơi, Tết đã về nhưng bà con ở đây thì vẫn đi làm bình thường. Đó là lời tâm sự của thầy Nguyễn Chung Thắng, giáo viên Trường THCS Sín Thầu: Vì bà con đa số là người Hà Nhì tết của họ vào đầu tháng 12 (dương lịch).

Thầy kể cho chúng tôi nghe chuyện, cách đây 5 năm khi thầy về dạy học và ở lại ăn cái tết đầu tiên tại trường. Ngày mùng 1 Tết, các thầy cô ở lại rủ nhau vào bản chúc Tết. Mọi người trong bản ngơ ngác chẳng biết là gì, sau các thầy cô giải thích cho mọi người biết. Mọi người hiểu ra mới ồ lên, xúc động trước tình cảm và cũng thương các thầy cô ở lại, thế là Trưởng bản mời thầy cô về nhà mổ gà, lấy rượu ra chúc mừng. Trong bữa ăn, ông xúc động nói, Tết của người Hà Nhì không vậy, dù ai đi đâu xa cũng được về tụ họp với gia đình, còn các thầy cô vì con em họ tận miền xuôi lên dạy chữ, tết chẳng được về.

Thêm Tết này, thầy Thắng ở lại tổng cộng 4 cái Tết, không thể về quê chung vui với gia đình thì cũng như là chẳng có tết. Với thầy dù về hay ở thì giáo viên vùng cao khó mà có được cái tết trọn vẹn, đúng nghĩa...

Tết này, xin được gửi những lời chúc tốt đẹp nhất cùng rất nhiều cảm phục đến những người đang lặng thầm hy sinh, tiên phong ở nơi gian khó ấy - giáo viên cắm bản!